Our Blog

LÀM CHỦ KỸ THUẬT KỂ CHUYỆN ĐỂ TẠO RA NỘI DUNG HẤP DẪN...KINH KHỦNG!

Các bạn biết không, hôm nay khác với mọi hôm là mình kể chuyện thì mình sẽ gửi đến các bạn một "cuốn sách nhỏ nhỏ" với tựa đề: "Làm chủ kỹ thuật kể chuyện để tạo ra nội dung hấp dẫn!" (Tiêu đề chém thêm 2 chữ kinh khủng cho nó sốc đấy). Tuy là cuốn sách nhỏ, nhưng cũng hơi dài, bạn nào ngại đọc thì...bookmark lại đọc dần dần nhá...

Lời nói đầu

Trong một thế giới càng ngày càng thương mại hóa thì có thể nói...tất cả mọi người đều đang tìm kiếm một câu trả lời trực tuyến.
Túm lại, chúng ta đều là những "người tìm kiếm", tìm cái gì? Tìm ra cách tốt nhất để giải quyết được các vấn đề của bạn như: Giải trí, kiến thức, mua sắm,...
Ok, ở đây chúng ta sẽ nói nhiều hơn về việc "tìm kiếm" và "thỏa mãn" nhu cầu về mua sắm một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó nhé. Vậy làm sao để người "tìm kiếm" tìm được website của bạn? Chắc câu trả lời này thì ai cũng trả lời được phải không, đa phần các bạn sẽ nghĩ nhiều đến SEO. Tất nhiên còn nhiều hình thức khác nhưng thôi, tạm thu hẹp ở SEO thôi nhé. Và các bạn tưởng tưởng nhỏ nhỏ thế này,  các SEOer giống như các thợ lặn vậy, họ làm việc để sao đẩy được các "tảng băng" nổi lên bề mặt nước để ai cũng nhìn thấy. Chà, vậy chúng ta - những "người tìm kiếm" có vẻ khá tàn nhẫn nhỉ? Chúng ta đang bắt khá nhiều "thợ lặn" làm việc hết công suất mà túm lại thì khi nó nổi lên thì chúng ta cũng chỉ mất 1/2 giây để click vào trang web và chả bao giờ tự hỏi: "Ủa, sao nó lại ở đây nhỉ?"
Haizzzzz...
Làm chủ kỹ thuật kể chuyện để tạo ra nội dung hấp dẫn...kinh khủng!
Làm chủ kỹ thuật kể chuyện

Và khi khách hàng tìm đến website của bạn, điều mong muốn nhất đó là việc họ nhấn vào nút "mua ngay", nhỉ? Thường thì đến đây, đa phần (mình nói là đa phần nhé) các SEOer sẽ không được nhắc đến nhiều nữa mà thay vào đó là các content marketer. Công việc của họ là gì? Là bảo khách hàng rằng: "Anh(chị) ơi, hàng em tốt làm nè, click vào nút mua ngay đi anh!!!". Ồ, không. Nếu vậy thì các bạn đang quẳng hết công việc kinh doanh đi xuống đáy đại dương rồi.
Các bạn biết không, dù là kinh doanh mặt hàng nhỏ nhỏ như cái ống nước, bộ quần áo, hay một dịch vụ chất lượng đi nữa bạn cũng phải làm chủ được yếu tố: "Know, like, trust" (Tạm hiểu là: Biết đến, thích thú, tin tưởng. Bài sau mình sẽ nói rõ hơn về điều này nhé) đầu tiên đã.
Vậy làm sao để làm content marketing tốt?
Các bạn có thích nghe kể chuyện không? Ồ, điều thú vị là...ai cũng thích nghe kể chuyện cả. Vậy, câu trả lời ở đây là hãy kể một câu chuyện để dẫn dắt khách hàng từng bước đến với sản phẩm của bạn. Tất cả những gì cần đó là tạo ra một cuộc hành trình và nhồi nhét cảm hứng cho khách hàng.
Nào, giờ hãy cùng tham gia hành trình của mình nào.

Chương 1: Xây dựng kịch bản


Bạn thích một câu chuyện về chủ đề gì? Một anh hùng có khả năng phi thường và luôn giúp đỡ mọi người cỡ như Superman hay Batman,...Đa phần các câu chuyện về hành trình các anh hùng luôn thu hút được nhiều người xem. Nhưng mà ở cái thời đại mà "ra ngõ gặp anh hùng" thì nhiều khi những câu chuyện anh hùng không còn thu hút nữa. Đơn giản họ cần một cái lạ mà thôi!
Các bạn còn nhớ chàng "ca sỹ" Lệ Rơi đã từng gây bão trên cộng đồng mạng không? Khoan bàn về việc tại sao anh ấy lại nổi tiếng hay về việc hát hay hay dở của anh ấy (cá nhân mình thì mình thấy anh ấy hát sai bài hát kinh điển của mình...Forever and One...). Hãy nhìn vào cách mà các trang "báo mạng" kể câu chuyện của anh ấy:
Đầu tiên là khi các video của Lệ Rơi được chia sẻ và bàn tán nhiều hơn trên mạng, họ bắt đầu tung ra một trái bom tựa tựa "Ca sĩ Lệ Rơi gây bão hơn cả M-TP". Ồ, vậy là nhiều người chú ý hơn cả vì có dính chút M-TP (một ca sỹ nhạc thị trường đang khá nổi) mà. Tiếp theo đó là khi ai cũng đang tò mò về anh chàng Lệ Rơi này thì nhà báo đã rất nhanh chí xây dựng lên chương tiếp theo trong kịch bản, đó là đến tận nơi phỏng vấn rồi chụp ảnh tứ tung ngôi nhà của chàng ca sỹ mạng này.
Nhưng tất cả nếu dừng ở đó thì xoàng quá, phải có một sự việc gì đó đẩy lên cao trào để ai cũng phải ngước nhìn cơ! Và thế là Lệ Rơi "tình cờ" bị bắt gặp "lên Hà Nội" trên một chiếc xe "Lexus" và thêm vài tin đồn rằng sẽ "hát" ở một Bar.
Không bàn về sự lố bịch hay sự nhảm nhí ở đây, mình chỉ muốn đặt ra câu hỏi với các bạn: "Liệu rằng đó có phải là một kịch bản của các báo mạng?!"
Câu chuyện trên mình chỉ đưa ra để làm minh chứng rằng bất cứ ai cũng thích những câu chuyện. Càng dẫn dắt hay, càng giải quyết được các nhu cầu của người đọc và đặc biệt càng có cao trào...càng thu hút được nhiều người.
Vậy bạn đã nghĩ đến kịch bản cho một series bài viết nào chưa? Nếu chưa, hãy thử cùng mình tìm hiểu những điều cần có để xây dựng lên một kịch bản tốt, một kỹ thuật kể chuyện thật thú vị.

Chương 2: Thấu hiểu độc giả của bạn

Tạm thời chúng ta thu hẹp ở mức độc giả thôi, chưa cần quất luôn hai chữ "khách hàng" ở bước này nhé. Mình có thể tạm gọi bước này đó là "Biết địch biết ta".
Việc quan trọng bước đầu luôn là thấu hiểu người đọc. Bạn phải túm được họ muốn gì, họ làm gì,...thì bạn mới có thể xây dựng lên một câu chuyện kích đúng chỗ thích của họ được.Rất may là ở đây có một cái biểu đồ con con giúp bạn dễ dàng hơn trong việc khám phá độc giả của bạn.

Biểu đồ khám phá lý tưởng người đọc

Hướng dẫn cách vẽ:

  • B1: Vẽ một hình vuông thật to. Chia làm 4 phần. Bạn có thể vẽ thêm cái mặt người như hình trên cho sinh động cũng được.
  • B2: Điền nhãn cho 4 ô lần lượt là: Think & Feel? - See? - Say & Do? - Hear?
  • B3: Cuối cùng là bạn thêm 2 ô phía dưới với nhãn là: PainGain.

Xong, bài tập vẽ của chúng ta đã xong rồi đó.

Hiểu biểu đồ này như nào?
Công việc của các bạn hiểu một cách đơn giản đó là hãy đưa ra các câu hỏi mở với độc giả của các bạn, ví dụ như:
  • Bạn muốn biết điều gì?
  • Tại sao?
  • ...

Hãy đặt càng nhiều câu hỏi càng tốt để điền các câu trả lời vào các ô trong biểu đồ trên. Ở mục "Pain" và "Gain" mình tạm dịch là chơi và nhận theo tiêu đề một bộ phim "Có chơi, có nhận" nghe cho hay thôi. Tạm hiểu là độc giả sẵn sàng bỏ thời gian để "chơi" cái gì và mong "nhận" lại điều gì.
Thu thập các câu trả lời đó là cách để bạn thấu hiểu người đọc hơn. Tuy nhiên, chắc chắn bạn sẽ nhận được nhiều câu trả lời khiến bạn ngỡ ngàng và đi ngược lại những giả định của bạn về độc giả mà bạn nghĩ rằng bạn hiểu. Sau đó, sự thấu hiểu với lý tưởng của độc giả mới được hình thành.
Sự thấu hiểu ở đây thực sự là sự hiểu biết, sự nhìn nhận và liên quan đến quan điểm của một cá nhân nào đó. Ví như có một ai đó có một niềm tin mãnh liệt rằng con bò thì to hơn con lợn, và bạn xác nhận điều đó. Lúc này niềm tin của họ bất chợt chuyển sang cả bạn vì họ nghĩ bạn thấu hiểu họ. Nghe rắc rối nhỉ, đó được gọi là một kết nối tâm lý rất mạnh mẽ và...khó giải thích.
Nếu bạn hoàn thiện được bước này thì khả năng phủ sóng nội dung của bạn lên nhiều người là rất cao. Hoặc là bạn cũng đã có trong tay những ý tưởng tốt để xây dựng lên những nội dung hấp dẫn ban đầu cho người đọc rồi.

Chương 3: Bắt đầu


Thường thì một series blog hay bài viết sẽ được bắt đầu từ một ý tưởng, một định nghĩa hay một sự vật, sự việc khá mơ hồ, mông lung và chưa rõ ràng cho lắm. Nhưng tất nhiên là bạn phải giải quyết được sự mơ hồ, mông lung đó trong các giai đoạn tiếp theo của bài viết.
Vậy theo bạn, khi bạn đã có một kịch bản trong tay và một khởi đầu mơ hồ rồi thì công việc tiếp theo của bạn chỉ đơn giản là ngồi hý hoáy viết viết lách lách? Không, nếu vậy thì vẫn đơn giản quá. Chưa chắc kịch bản của bạn đủ yếu tố hấp dẫn, đủ yếu tố lôi kéo đâu. Vì vậy, mình sẽ đưa ra cho bạn vài điểm cần lưu tâm khi bắt đầu một series blog bên cạnh một kịch bản có sẵn của bạn.

Theo bạn, bắt đầu có đơn giản hay không?

  1. Mục tiêu cao cả: Nói gì thì nói, mục tiêu vẫn là phải làm sao đẩy được series đó lên top Google đúng không nào? Đó là công việc mà bạn cần phải bỏ thời gian ngồi bàn bạc với các SEOer, hoặc bạn đã có kỹ năng SEO thì công việc của bạn chỉ là viết và đẩy. Nếu chưa được, tiếp tục tìm hiểu, đào bới rồi lại viết và đẩy.
  2. Mở rộng các từ khóa: Điều này là quá hiển nhiên rồi, chắc mình không cần phải nói nhiều. Cố gắng tìm và mở rộng từ khóa cho bài viết là cách để phổ biến bài viết đó rộng rãi hơn rất nhiều. 
  3. Phỏng vấn: Nếu làm được điều này thì khá tốt. Các cuộc phỏng vấn nói riêng, các cuộc hội thoại nói chung luôn thu hút được sự chú ý của người đọc. Đó cũng là cách tăng sự tin tưởng lên trong người đọc của bạn.
  4. Khảo sát: Bước này thường sẽ được kết hợp trong công việc ở chương 2. Bạn biết đó, cả người và Google đều thích những nội dung mới. Vì vậy, các cuộc khảo sát sẽ tạo cho bạn khá nhiều ý tưởng thú vị đó.
  5. "Hóng": Ở đây bạn nên hiểu theo nghĩa đó là luôn quan sát và theo dõi các sự kiện nổi bật đang diễn ra hàng ngày, các bộ phim, các câu nói của người nổi tiếng,...Bởi vì, nếu các sự kiện, các bộ phim,...có liên quan đến chủ đề của bạn thì nên tận dụng để lồng ghép cho tốt vào trong series blog của bạn.
5 công việc, cũng có thể bạn không cần thiết làm đủ cả 5 nhưng dẫu sao bạn cũng phải làm được 3/5 điều đó thì là tốt nhất nhé. Đừng chỉ cắm đầu vào 2 công việc trên cùng. Bạn dễ rơi vào tình trạng là "viết bài cho Google đọc" lắm đó.

Chương 4: Biên tập

Vậy là khi trải qua các bước trên thì có lẽ bạn đã cầm trong tay phiên bản sơ khai "câu chuyện" của bạn rồi.  Bước tiếp theo của bạn đó là biên tập lại câu chuyện đó cho nó hoàn chỉnh. Bạn không thể tùy hứng theo kiểu: "Ôi dào, tôi viết xong rồi, thích post lên blog thế nào thì post. Có kịch bản đàng hoàng rồi mà!"
Không phải đâu nhé. Nếu bạn không tin, bạn hãy thử đọc đi đọc lại xem. Bất cứ một kịch bản nào sau version 1 cũng sẽ có vài lỗ hổng, vài chỗ không hợp lý. Và đó cũng là lúc bạn phải ngồi biên tập lại!
Các công việc bạn cần làm:
  1. CV1:  Thu thập lại các thông tin liên quan đến bài viết, tất tần tật nhé. Sau đó hãy đánh dấu xem thông tin, sự kiện,...nào thì dùng trong phần nào của kịch bản.
  2. CV2:  Ra soát toàn bộ kịch bản xem điểm nào chưa hợp lý. Phân đoạn nào nên thay đổi vị trí,...
  3. CV3: Hãy ghi tất cả các câu hỏi, nhưng lỗ hổng, những nhãn, mục liên quan,...lên một tấm bảng lớn hoặc không có điều kiện thì sử dụng máy tính của bạn tạo một bảng với các nhãn,...Móc nối các sự kiện, các mục, các phần vào với nhau cho hợp lý.

Tạm thời mình nghĩ là chỉ có vậy thôi, nếu làm tốt bước này rồi thì bạn sẽ cho ra đời một kịch bản khá hoàn chỉnh và trau chuốt rồi đó.

Chương 5: Xây dựng câu chuyện

Giờ là lúc bạn bắt tay vào xây dựng câu chuyện cho bạn rồi đó. Khi bạn đã có một kịch bản, khi bạn đã biên tập tốt lại kịch bản đó rồi thì việc bạn cụ thể hóa nó lên thành câu chuyện của bạn cũng sẽ đơn giản hơn so với việc ngồi viết một cách mơ hồ.
Đơn giản các bạn hiểu kịch bản là một cách để hình dung lên câu chuyện của các bạn. Vậy, một kịch bản thực sự giúp ích gì cho việc xây dựng câu chuyện của bạn:
  • Giúp bạn xác định được các thông số cũng như thời gian cần thiết để xây dựng câu chuyện.
  • Giúp bạn dễ dàng tổ chức và tập chung cho câu chuyện.
  • Giúp bạn hiểu những thành phần nào cần phải tham gia vào câu chuyện và vị trí nó ở đâu.
  • Giúp bạn vô tư sản xuất các phần đầu tiền mà chưa cần phải làm các phần tiếp theo.
  • Giúp bạn luôn đi theo dòng chảy của câu chuyện.
Để mình lấy một ví dụ minh họa về một kịch bản và cách hình dung nó:
Đây là một ví dụ về một kịch bản kinh điển của điện ảnh Mỹ. Trong cảnh này, Forrest Gump đã khoe những chiếc sẹo của mình cho tổng thống Mỹ Johnson xem. 
Theo một chuyên gia đã đánh giá: "Kịch bản của Chris Bonura đã giúp cho đạo diễn Robert Zemeckis tạo ra một cảnh quay mới mẻ đầy thú vị!"
Bạn đã thấy được tầm quan trọng của kịch bản khi bạn xây dựng câu chuyện chưa? 
Nó là cái khuôn mẫu để bạn vứt những từ ngữ và câu chữ vào sao cho hợp nhất. Vì vậy, hãy bám sát vào kịch bản của bạn đã xây dựng để tạo ra một câu chuyện thú vị.
Còn việc bạn xây dựng câu chuyện đó như nào, có lẽ mình không thể giúp được. Mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực sẽ có cách kể và những câu chuyện khác nhau mà. Phải không?

Chương 6: "Tìm một chiếc móc"

Móc ở đây phải hiểu là gì? Đó là một chủ đề thống nhất, đại khái vậy. Thống nhất về điều gì?
  • Về nội dung
  • Về phong cách viết
  • Về tư tưởng chủ đạo trong bài viết
  • Về cách trình bày
Tốt nhất là hãy cứ bám sát kịch bản của bạn và viết theo đúng phong cách của bạn. Đừng để tình trạng phần 1 kết thúc với một câu hỏi mở mà phần 2 bạn quên trả lời câu hỏi đó. Hoặc văn phong chợt thay đổi, cách trình bày các phần đang 1..2...thì bay sang I...II...Chắc chắn, nếu vì những lỗi cơ bản như vậy thì bạn đang phí công sức khi tạo ra một kịch bản tốt rồi đó.
Và đặc biệt là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt là một điều cực kỳ quan trọng. Đừng để tình trạng câu trước đá câu sau thì sẽ không tạo ra một câu chuyện thú vị nào đâu. Người đọc cần biết tư tưởng của bạn trong bài viết là gì, họ cần bạn giữ vững và bảo vệ tư tưởng đó. Cũng như khi họ đọc thì họ cũng đang dần nắm cái tư tưởng đó của bạn, vì vậy đừng làm "lạc" tư tưởng bài viết nhé.

Chương 7: Repurpose (Tái sử dụng)

Repurpose content còn gọi là quá trình tái sử dụng một phần nội dung thông qua nhiều phương tiện truyền thông khác nhau. Các thực hiện thì đại khái là bạn sẽ sử dụng nội dung (thêm hoặc bớt) của nội dung gốc, sau đó đưa nó vào khuôn mẫu nội dung của hình thức phương tiện truyền thông nào đó khác đi. Ví dụ nội dung bạn trên blog được truyển thể thành một video, slide,v.v...


Việc repurpose có thể áp dụng trên một số hình thức như:

  • ebook.
  • SlideShare
  • Video 
  • Landing Page
  • Email trả lời tự động
  • v.v...

Đây là cách giúp tăng sự đa dạng và mới mẻ cho nội dung của bạn - hay còn gọi là F5 nội dung liên tục. Và hãy luôn nhớ là trỏ về bài gốc của bạn nhé.

Chương 8: Lời kết

Túm lại, hãy xây dựng cho mình một câu chuyện và kể cho khách hàng của bạn nghe. Bởi vì ai cũng thích được nghe kể chuyện mà.
Và trước tiên, khi muốn làm chủ được kỹ năng kể chuyện, bạn hãy xây dựng cho mình những ý tưởng ban đầu cho một câu chuyện. Sau đó là xây dựng một kịch bản thú vị và biên tập nó thật tốt. Và hãy biến kịch bản đó thành câu chuyện của bạn qua giọng văn của bạn.
Cũng đã hơi dài rồi, có lẽ mình sẽ đóng cuốn sách nhỏ nhỏ của mình tại đây thôi. Hy vọng rằng sau khi nghiên cứu xong xuôi, các bạn sẽ hình thành cho mình những ý tưởng thú vị cho Blog của các bạn.
Chúc các bạn thành công. Đừng quên like hoặc share nếu bạn thấy bổ ích nhé. 
Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết này. Mọi sự ghi chép vui lòng ghi rõ nguồn của Blog Thái Mèo.
Bài viết có sự tham khảo từ bài viết: Master story telling
Like và Share ngay:

1 comment:

  1. Bài viết hay, nhưng nói thật dài quá...hic...hic....
    ....................................................................................................
    Mr. Minh Tuấn

    Chuyên viên kinh doanh máy nước nóng năng lượng mặt trời Sunpo.
    Click xem chi tiết: Bình nước nóng năng lượng mặt trời nhập khẩu Sunpo hoặc Binh nuoc nong nang luong mat troi nhap khau Sunpo

    ReplyDelete

Thái Mèo Blog Designed by Templateism | MyBloggerLab Copyright © 2014

Theme images by richcano. Powered by Blogger.